Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Truy tìm ông chủ Tricon Towers Hà Nội khắp thế giới

Sự kiện chủ đầu tư dự án Tricon Tower "ẵm" tiền bỏ trốn không chỉ được báo giới trong nước quan tâm mà ngay cả nhiều hãng tin lớn của Mỹ cũng chú ý. Một cuộc truy tìm ông chủ này đang diễn ra khắp thế giới mà bóng dáng ông chủ Tricon Towers vẫn bặt vô âm tín.
Mới đây, bài viết trên AP xoay quanh dự án Tricon Towers, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội, của công ty đầu tư Minh Việt mà báo giới trong nước đã đề cập nhiều những tháng qua, sau khi chủ đầu tư là ông Edward Chi, ôm tiền bỏ trốn.
Khi “bong bóng” trên thị trường BĐS bắt đầu vỡ, Edward Chi vẫn hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng dự án xây dựng các căn hộ hào nhoáng của họ vẫn đang đi đúng hướng. Doanh nhân này thậm chí còn "hùng hồn" tuyên bố ông sẵn sàng bán các BĐS của mình tại California để hoàn trả tiền cho khách hàng, nếu việc xây dựng dự án bị trì hoãn.
Thế nhưng, thật trớ trêu thay, vị giám đốc đã "nuốt" lời và "chuồn thẳng" sau khi có cuộc họp đầy cam go với khách hàng, bỏ lại sau lưng những cọc móng hoen gỉ và ít nhất 128 nhà đầu tư giận dữ. Nhiều người trong số này đã góp vốn tới 150.000 đôla Mỹ, với mong muốn sẽ trở thành chủ nhân của những căn hộ hiện đại khi dự án hoàn thành.
Hiện, phía cảnh sát cho biết họ vẫn chưa thể tìm ra tung tích của Edward Chi. Còn theo phóng viên AP, họ đã cố gắng liên hệ với ông Chi theo số điện thoại ở California mà ông đăng ký khi xin giấy phép kinh doanh cũng như qua gia đình và đồng nghiệp cũ của ông nhưng đều không thể liên hệ được.
Edward Chi chỉ là một trong số hàng chục nhà đầu tư đổ xô vào thị trường BĐS Việt Nam cuối những năm 2000, khi nhà nước khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng cho các nhà đầu tư và chủ dự án nhằm kích cầu kinh tế. Nhiều chủ đầu tư không hề có kinh nghiệm về BĐS vẫn khởi công dự án rầm rộ. Thị trường trở nên sôi động hơn khi giới đầu cơ vào cuộc để tìm cách thâu tóm dự án và kiếm lời nhanh. Đây là nguyên nhân khiến giá BĐS tăng vọt.
Và hậu quả là, "đột nhiên tất cả dừng lại... hàng loạt những dự án ngừng thi công, đắp chiếu khắp nơi", ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành của Công ty CB Richard Ellis Group cho biết.
Bài học kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia cho thấy, giá nhà khi đã giảm thì cũng không kém lúc tăng. Cách đây 3 năm, năm 2010, nền kinh tế Việt nam đã phải chứng kiến sự tuột dốc "không phanh" của giá BĐS. Có những nơi, giá nhà đất giảm tới 50%, hàng loạt dự án dừng vô thời hạn. Trong khi đó, các ngân hàng thì không mặn mà cho vay bởi gánh nặng nợ xấu. Vì vậy, vẫn không ai biết khi nào thị trường hồi phục.
Trải dài trên các con đường của thủ đô Hà Nội là những tòa nhà trọc trời, những khu phức hợp dang dở. Các chủ đầu tư bỏ trốn ngày càng nhiều. "Chúng tôi đã bị lừa" là câu nói đầy cay đắng của ông Trần Thanh Hải, một khách hàng đã góp vốn 180.000 đôla Mỹ để mua căn hộ 210 m2 tại dự án Tricon Towers.
Nhiều công ty môi giới BĐS cũng đang sống trong trạng thái lo sợ rằng những chủ đầu tư dự án khác rất có thể sẽ gây ra một cú sốc tương tự. Chính phủ hiện đã thành lập một công ty quản lý tài sản để mua các khoản nợ xấu nhưng ít người tin rằng biện pháp này đủ mạnh để "cứu" thị trường.
Các ngân hàng dường như vẫn không muốn chấp nhận thua lỗ, vẫn thích che giấu các khoản cho vay của mình và đánh cược vào khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ giúp giá BĐS tăng. Hai năm sau khi khủng hoảng trở nên rõ ràng, vẫn chưa có khoản nợ xấu nào được bán và quy mô số nợ này trong hệ thống vẫn chưa có con số chính xác.
“Để thay đổi cần phải thừa nhận vấn đề hiện hữu nhưng ở đây người ta chưa nhận ra rằng đang có vấn đề”, Sameer Goyal, điều phối viên ngành tài chính và kinh tế tư nhân của ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết.
Edward Chi là một cái tên vốn nổi tiếng trong giới kinh doanh và đầu tư tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước khi bỏ trốn vào năm ngoái. Một nhân viên môi giới BĐS cho biết, trước khi bước vào BĐS Chi chỉ kinh doanh bảo hiểm.
Công ty Minh Việt mà Edward Chi đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc hầu như không gặp khó khăn gì để thu hút nhà đầu tư khi ra mắt dự án tại Hà Nội khoảng giữa năm 2009. Khi ấy, dự án Tricon Towers được vẽ ra là những tòa tháp 44 tầng “siêu hiện đại”, với 734 căn hộ và sẽ giao nhà cuối năm 2011.
Không chỉ nhận tiền đặt cọc của dự án Tricon Towes, Minh Việt sau đó còn tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho một dự án thứ hai nhìn ra vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở phía Bắc. Nhưng việc xây dựng dự án này lại chưa hề được tiến hành.
Một số người nếu có hoài nghi về uy tín của Chi lại bị đánh lừa bởi đối tác nước ngoài danh tiếng của Edward Chi. Chi đã được Coldwell Banker nhượng quyền và luôn sử dụng thương hiệu của hãng BĐS Mỹ trong quá trình quảng bá dự án. Tuy nhiên, phía Coldwell Banker cho biết đã hủy hợp đồng nhượng quyền với Chi năm 2012 và từ chối bình luận thêm.
Một trong các nhà đầu tư, kỹ sư 37 tuổi Nguyễn Ngọc Tuấn đã đóng 180.000 đôla, gồm 80.000 đôla tiền tiết kiệm và 100.000 đôla vay ngân hàng với thế chấp là hợp đồng mua căn hộ tương lai với Minh Việt nói: "Lương của tôi và vợ tôi không đủ để trả lãi ngân hàng. Tôi đã đề nghị ngân hàng đóng băng khoản vay nhưng họ không đồng ý. Tôi sẽ không tiếp tục trả lãi nữa vì chúng tôi không có đủ tiền để nuôi gia đình."
Ông Trần Thanh Hải, một nhà đầu tư khác cũng bị mắc lừa với công ty Minh Việt cho biết, "Vào cuộc họp với khách hàng ngày 12/7/2012, ông Chi đã hứa sẽ trả lại tiền cho khách hàng bằng cách bán ngôi nhà của ông ở California nếu cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi kiểm tra trên Internet thì được biết, ngôi nhà đã được bán nhiều lần kể từ năm 2006 và chủ sở hữu cuối cùng không phải là Edward Chi".
Hiện dự án này mới thi công xong phần hầm và móng và bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ. Khu nhà trưng bày mô hình dự án trên đại lộ Thăng Long cũng bị bỏ hoang. Trụ sở Công ty CP Đầu tư Minh Việt đi thuê cũng đã bị tháo dỡ bảng tên.
                                                                        - Theo Vietnamnet-

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lương nhân viên địa ốc giảm... 100%

Lương rơi xuống 2,5 triệu đồng/tháng, nhân viên ngân hàng vẫn giàu hơn nhân viên địa ốc khi ngành này giảm lương tới 100%.

Lương môi giới giảm 100%

Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng nên khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp ngành này. Chính vì vậy, không ai còn ngạc nhiên khi thấy những cựu “đại gia” bất động sản không ngừng than vãn bị giảm lương.

Anh H, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản cho biết sau nhiều đợt giảm lương, quý 1 năm nay, công ty anh tiếp tục cắt giảm thu nhập của người lao động. Chỉ sau vài năm, số tiền mà nhân viên nhận được đã giảm từ 50%-70%.

Theo anh H, bình quân, lương của môi giới bất động sản hiện tại ở công ty anh cũng như nhiều đơn vị khác chỉ dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Theo lý thuyết, thu nhập của môi giới sẽ cao hơn vì được cộng thêm hoa hồng.

Khi thị trường sôi động, môi giới bất động sản gần như không quan tâm tới lương cứng vì hoa hồng mà họ nhận được có tháng lên tới cả chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng. Nhưng hiện tại, lương cứng lại trở thành mối quan tâm hàng đầu vì hoa hồng trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.

Lương ngành bất động sản tiếp tục sụt giảm (Ảnh minh họa)
Lương ngành bất động sản tiếp tục sụt giảm (Ảnh minh họa)

Anh H cho biết: “Hiện tại cả thị trường bất động sản đều chán nản, không riêng gì sàn. Rất nhiều tháng, dù rất cố gắng nhưng công ty tôi không có bất cứ giao dịch nào thành công. Vì thế, nhân viên môi giới lấy đâu ra hoa hồng”.

Môi giới không bán được hàng, công ty không có doanh thu nên với những công ty chỉ đơn thuần hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hiện tượng quỹ lương bị âm thường xuyên xảy ra. Vì thế, nợ lượng, chậm lương đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.

“Rất may bên công ty tôi còn nhiều mảng khác đều bù vào nên công ty cũng đáp ứng được điều kiện tối thiểu là trả lương đều đặn” - Anh H chia sẻ thêm.

Cũng tại một số công ty hoạt động chuyên về bất động sản, môi giới thậm chí còn bị  giảm lương tới …. 100%. Điều đó có nghĩa môi giới không nhận được lương cứng mà chỉ nhận được hỗ trợ như bảo hiểm. Thu nhập của môi giới hoàn toàn đến từ hoa hồng.

Theo anh H, nhân viên các bộ phận khác thì ổn hơn môi giới một chút khi nhận khoản lương dao động từ 4 triệu đồng tới 5 triệu đồng/tháng.

Anh C, nhân viên của một Viện nghiên cứu chia sẻ, anh có mức lương cao hơn, khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập của những tháng nhiều việc. Còn trong tháng “cô hồn” này, chắc chắn anh sẽ không đạt được 6 triệu vì công việc giảm hẳn.

“Lương 6 triệu đồng tại thời điểm này không phải quá thấp nhưng xét cho cùng, có khi còn thấp hơn lương 4 triệu vì tôi làm ở đây đã 1,5 năm mà chưa được ký hợp đồng. Lý do lãnh đạo đưa ra là do quỹ lương của công ty âm nên không có chỉ tiêu tuyển người. Bây giờ tôi làm việc chỉ như cộng tác viên thôi, không có chế độ gì cả” - Anh C bùi ngùi.

Lương sếp không đủ đóng thuế

Tại các công ty bất động sản, không chỉ nhân viên bị giảm lương, các sếp cũng phải chịu cảnh thâm hụt “ngân sách”.

Cuối tháng 7, chị M.B, trưởng phòng một công ty bất động ở Mỹ Đình than vãn “lại bị giảm lương”. Khi được hỏi lương giảm xuống bao nhiêu, chị M.B không tiết lộ mà chỉ cho biết số tiền chị nhận được hàng tháng bây giờ không đủ mức để đóng thuế thu nhập cá nhân.

“Trước đây, lương của tôi là hơn 20 triệu đồng/tháng. Đấy chỉ là lương cứng thôi. Ngoài ra, tôi còn liên tục nhận được thưởng, từ thưởng hoàn thành chỉ tiêu tới thưởng 20/10, 8/3,… Thế nhưng lương của tôi liên tục bị cắt giảm. Bây giờ thu nhập hàng tháng không đạt mức đóng thuế thu nhập cá nhân”. - Chị M.B tiết lộ.

Không chỉ cắt giảm lương, các khoản thưởng gần như biến mất hoàn toàn. Tới thưởng Tết mà ban lãnh đạo còn băn khoăn chứ đừng nói gì đến thưởng 2/9 hay 20/10.

Trong khi đó, tại Viện nghiên cứu, nơi anh C làm việc, thu nhập của lãnh đạo dù cao hơn chị M.B nhưng cũng đã giảm đáng kể. Anh C cho biết, theo báo cáo thu nhập 6 tháng đầu năm, những sếp mang về hợp đồng cho công ty có thu nhập 30 triệu đồng tới 40 triệu đồng/tháng, sếp thấp hơn hưởng thu nhập 8 triệu đồng tới 12 triệu đồng. Anh C nhấn mạnh đây là thu nhập chứ không phải lương.

“Các sếp đều có 2 con nên sau khi giảm trừ gia cảnh, nhiều sếp cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân” - Anh C phân tích.

Anh C cho biết, vì thu nhập giảm nên không chỉ các nhân viên quèn như anh tìm việc làm thêm mà một số sếp nhỏ cũng “tăng gia sản xuất”.
                                                                                                                         Theo Báo Dân Trí

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Giải mã bài toán mua nhà giá rẻ

(Thanh tra) - Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội đã vận hành hơn 2 tháng. Không phải ai có thu nhập thấp cũng có thể sở hữu được nhà ở thuộc diện này. Tuy nhiên, bài toán an cư lạc nghiệp cho nhiều người đã có… hướng ra.


Việc BIDV vừa chính thức triển khai thực hiện gói tín dụng cho vay hỗ trợ về nhà ở với mức đăng ký lên tới 10.000 tỷ đồng là tín hiệu tốt cho thị trường, cho người có nhu cầu về nhà ở.

Nói về con số 10.000 tỷ đồng mà BIDV cam kết dành hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất không phân bổ đều 30.000 tỷ đồng cho 5 NHTM Nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện mà NH nào triển khai nhanh, mạnh, ký được nhiều hợp đồng, giải ngân được đến đâu thì NHNN cấp đến đó. 

Tuy nhiên, để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn này, theo ông Nam, các chủ đầu tư dự án nhà ở liên quan nên chủ động làm cầu nối giữa NH với khách hàng, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn với NH để có điều kiện mua nhà thuận lợi hơn. 

Trong các điều kiện liên quan đến vay vốn thuộc gói tín dụng này, ông Nam cũng lưu ý, nếu ai nghĩ chỉ cần có hợp đồng mua nhà thu nhập thấp đến NH là vay được tiền theo quy định là không đúng. Bởi vì, bên cạnh quy định này, khách hàng phải đảm bảo đủ các quy định của NH để thực hiện vay vốn.

Liên quan đến vấn đề thế chấp vay vốn mua nhà, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thông tư 11/2013 của NHNN có quy định mở là tùy theo điều kiện việc làm, thân nhân, mức thu nhập... của khách hàng thì NH áp dụng vay có tài sản thế chấp, hoặc không thế chấp tài sản. Bởi, theo Phó Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú, gói 30.000 tỷ đồng, đây là chương trình tín dụng hoàn toàn thương mại, các NH chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình và rủi ro xảy ra, NHNN chỉ hỗ trợ vốn để qua đó có lãi suất thấp cho người vay. 

Do đó, không chỉ BIDV, mà các NH khác cũng sẽ đưa ra hình thức thế chấp để vay vốn cho phù hợp. BIDV có thực hiện cho áp dụng thế chấp tài sản hình thành từ nguồn vốn vay nếu mua nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 thì người vay là chủ tài sản căn hộ đó, BIDV nhận thế chấp tài sản này. 

Còn đối với nhà ở xã hội, theo quy định của Chính phủ, phải trong 10  năm vẫn chưa được thế chấp. Trong trường hợp này, BIDV sẽ làm việc với chính quyền địa phương để ký hợp đồng 3 bên giữa đơn vị xây dựng nhà ở, người mua, và NH. 

Theo đó, nếu đơn vị xây dựng nhà ở đồng ý cho người mua nhà được quyền thế chấp, trong điều kiện người vay không thể trả nợ thì người vay đồng ý cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội mua lại nhà đó và bán cho người khác để trả nợ vay. Đây là hình thức để vận dụng cho người mua nhà có thể thế chấp bằng chính căn nhà của mình, và NH cũng giảm rủi ro.   

Trong khi đó, người dân còn đang băn khoăn, lo lắng về khả năng trả nợ nếu vay vốn và mua nhà ở xã hội theo mức lãi suất vay 6%/năm và thời hạn vay 10 năm. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích rằng, nếu tính theo ngưỡng phải đóng thuế 9 triệu đồng/người/tháng, thì với gia đình có 2 người cùng thu nhập sẽ đạt 18 triệu đồng/tháng. Theo tính toán thông lệ, gia đình cần 30% thu nhập đó để lo vấn đề nhà ở, tương đương 5,4 triệu đồng/tháng. 

Nếu hộ gia đình này vay mua căn hộ 50m2, giá tối đa 12 triệu  đồng/m2, thì khi người mua phải ứng trước 20% giá trị căn hộ, tương đương 120 triệu đồng, còn lại sẽ phải vay 480 triệu đồng. Với lãi 6%/năm, sẽ chỉ phải trả khoảng 2,1 triệu đồng lãi/tháng và 4 triệu đồng tiền gốc. Cứ thế, gốc trả dần, lãi cũng sẽ giảm dần. Như vậy, với thời gian vay 10 năm, hộ gia đình hoàn toàn có thể trả nợ. Đó là chưa kể, nhà có thể mua dưới 50m2, thu nhập có thể tăng lên, thì khả năng trả nợ càng đơn giản hơn.

Để chứng minh cho tính toán này, ông Nam quả quyết, đưa ra mức tính giá nhà 12 triệu đồng/m2 là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, với chính sách ưu đãi của Nhà nước như hiện nay, và sắp tới sẽ có nhiều dự án chính thức khởi công xây dựng mấy ngàn căn hộ thu nhập thấp, giá bán có thể dưới 12 triệu đồng/m2, thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam còn khẳng định: Chính sách của Nhà nước và việc thực thi của các NHTM được giao nhiệm vụ đều tính toán đảm bảo mang lợi tối đa cho người dân. Trong tình hình điều kiện tài chính của Chính phủ hiện nay, triển khai chương trình này là một cố gắng lớn. Còn mong muốn của Nhà nước, NH và cả nhu cầu của người dân thì rất nhiều, nhưng cũng phải trên cơ sở cân đối với nguồn lực có.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, trên thế giới không ai cho vay mua nhà, lại là vay ưu đãi, với lãi suất cao tới 6%. Về nguyên tắc, lãi suất vay mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều mặt bằng chung. Con số này chỉ 3%/năm là mức hợp lý, có như vậy mới giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) Alain Cany và đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân Việt Nam (VBF) mới đây cho biết, gói 30.000 tỷ đồng là tín hiệu rất tích cực trong việc cho phép tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ông này, để nhiều người có thể thụ hưởng chính sách này, có 2 cách hoặc là tăng thời gian cho vay, hoặc hạ lãi suất thấp hơn. Nhóm công tác của VBF cũng đề xuất là nên tăng thời gian cho vay ưu đãi từ 10 năm lên 20 năm. Trên thế giới gói dành cho người thu nhập thấp mua nhà đều có thời gian 20 năm.

Ngoài ra, từ trước đến nay, các chủ đầu tư thường xây dựng những căn hộ có diện tích từ 70m2 trở lên, những căn hộ diện tích nhỏ dưới 50m2 rất hiếm vì vậy tìm được căn hộ này ngay bây giờ là không thể. Bây giờ các DN mới bắt đầu xây dựng thì phải 2 năm nữa khách hàng mua nhà mới có nhà, vì vậy vẫn phải chờ. Và những căn hộ này chỉ nằm ở những khu vực ngoại thành xa xôi. Rõ ràng, mua nhà thu nhập thấp vẫn còn là hành trình rất gian nan.

Theo: Thanh Tra.com.vn

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Điều chỉnh giá bồi thường đất nếu chưa sát thị trường

Điều chỉnh giá bồi thường đất nếu chưa sát thị trường.


ANTĐ - UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 
Theo đó, trường hợp giá đất ở do UBND TP quy định tại thời điểm sau thông báo thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp huyện nơi thu hồi đất tổ chức điều tra, khảo sát giá đất trên địa bàn, đề xuất điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo Sở Tài chính chủ trì cùng liên ngành thẩm định theo quy định, trình UBND TP phê duyệt. UBND TP ủy quyền cho Sở Tài chính quyết định phê duyệt giá bán căn hộ chung cư tái định cư, đảm bảo cân đối với chính sách giá bồi thường, hỗ trợ đất ở tại nơi bị thu hồi đất. 

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Thu phí cầu Bình Triệu 1 từ ngày 1-8


(TBKTSG Online) – Từ ngày 1-8 tới, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) sẽ thu phí cầu Bình Triệu 1 với mức thu thấp nhất 4.000 đồng/lượt đối với xe lam, xe công nông, máy kéo, mức cao nhất 6,5 triệu đồng/quí đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Dự thảo Nghị quyết về thu phí cầu Bình Triệu 1 được hầu hết các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, HĐND khóa VII sáng nay (13-7).
Theo đó, CII sẽ được phép thu phí giao thông chiều xe đi ra (từ TPHCM đi Bình Dương) tại trạm thu đã được thiết lập ở đầu cầu Bình Triệu 1 (phía quận Thủ Đức), song song với trạm thu phí chiều xe đi vào tại trạm thu phí cầu Bình Triệu 2 hiện tại.
Trước đó, sau hơn một năm thi công, đến tháng 9-2010 Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và chính thức cho tất cả các loại xe tải lưu thông qua cây cầu này.
Cầu Bình Triệu 1 được mở rộng lên 3 làn xe (2 làn xe ô tô và 1 làn xe máy) thay vì 2 làn xe như trước đây. Tải trọng cầu cũng được nâng lên để cho các loại xe tải trên 30 tấn lưu thông qua cầu thay vì chỉ cho xe dưới 16 tấn lưu thông như trước đây.
Do lo ngại xảy ra kẹt xe nếu đặt trạm thu phí ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1, UBND thành phố đã yêu cầu CII thu phí thử nghiệm (không lấy tiền) từ tháng 7-2012. Sau 2 đợt thu phí thử nghiệm không xảy ra tình trạng kẹt xe nên UBND thành phố kiến nghị cho CII được thu phí từ ngày 1-8-2013.
Mức thu phí cầu Bình Triệu 1 cụ thể như sau: 

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

2 tỷ USD xây trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì, Hà Nội

2 tỷ USD xây trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì, Hà Nội.

Trung Tâm hội chợ triển lãm Quốc gia Hà Nội (Ảnh minh họa )

VEFAC cũng thông báo đầu tư dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hoá tại vị trí Triển lãm Giảng Võ hiện tại với vốn đầu tư 800 triệu USD.
Theo một thông báo của Công ty TNHH một thành viên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - đơn vị quản lý Triển lãm Giảng Võ, Chính phủ và Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đã giao công ty làm chủ đầu tư 2 dự án 2,8 tỷ USD.

Dự án đầu tiên là dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì.

Đây là một tổ hợp kinh tế văn hoá, được xây dựng trên diện tích 125ha, nằm trên trục đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Mễ Trì, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Vốn đầu tư dự kiến của dự án là 2 tỷ USD. Dự án không dùng vốn ngân sách Nhà nước mà được tư nhân hoá từ các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Cũng theo thông báo của VEFAC, dự kiến quá trình lựa chọn các đồng chủ đầu tư và chủ đầu tư thứ cấp của dự án Mễ Trì sẽ bắt đầu từ quý III/2013.

Dự án thứ 2 là dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hoá trên diện tích 6,8ha tại 148 đường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Đây chính là địa chỉ của Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia hiện tại hay còn gọi là Trung tâm triển lãm Giảng Võ.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 800 triệu USD, bao gồm khu thương mại, khu hội nghị hội thảo, khu khách sạn cao cấp, khu văn phòng cho thuê, khu căn hộ cao cấp, khu văn hoá giải trí và khu ẩm thực.

Hiện VEFAC đang tuyển dụng quản lý, chuyên gia cao cấp để thực hiện 2 dự án trên.

VEFAC - tiền thân là Khu triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974. Sau gần 40 năm phát triển, hiện VEFAC đang tiến hành cổ phần hoá, dự kiến đến tháng 9 tới sẽ hoàn thành cổ phần hoá và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Nguồn:Internet.


Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

157 dự án nhà ở xã hội được triển khai

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa gửi tới các ĐBQH báo cáo về Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, trong đó nóng nhất vẫn là tình trạng “đóng băng bất động sản”.


Với nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành trong năm là tập trung giải quyết tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu, có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia) mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở.

Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Tương tự như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015).

Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể như sau: Hà Nội cần 111.200 căn; TP.HCM cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn. Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012-2015 như: Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 4.700.000 m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2.700.000 m2 sàn nhà ở xã hội (mỗi năm khoảng 675.000 m2 sàn) tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.
157 dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).
Một số Chương trình phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai, cụ thể như:

Tổng công ty B ecamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, gồm 37 dự án với tổng mức đầu tư 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, hiện đã hoàn thành 4.700 căn;

Tổng công ty IDICO - Bộ Xây dựng triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng, quy mô gần 3.500 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 170.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 8.000 công nhân; mục tiêu đến năm 2020 dự kiến đầu tư khoảng 20.000 căn hộ;
Tổng công ty HUD - Bộ Xây dựng đã triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 75.815 m2 sàn; đang nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị: Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Nam An Khánh mở rộng khu 3, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng, Đại Áng… với mục tiêu giai đoạn 2013-2015 xây dựng trên 4.950 căn hộ và giai đoạn 2016-2020 xây dựng trên 20.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 33.000 căn hộ (chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), trong đó: Hà Nội có 27 dự án với quy mô hơn 14.900 căn hộ (Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra); TP. Hồ Chí Minh có 23 dự án với quy mô 14.500 căn hộ, chưa kể các dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp.