Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Giải mã bài toán mua nhà giá rẻ

(Thanh tra) - Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội đã vận hành hơn 2 tháng. Không phải ai có thu nhập thấp cũng có thể sở hữu được nhà ở thuộc diện này. Tuy nhiên, bài toán an cư lạc nghiệp cho nhiều người đã có… hướng ra.


Việc BIDV vừa chính thức triển khai thực hiện gói tín dụng cho vay hỗ trợ về nhà ở với mức đăng ký lên tới 10.000 tỷ đồng là tín hiệu tốt cho thị trường, cho người có nhu cầu về nhà ở.

Nói về con số 10.000 tỷ đồng mà BIDV cam kết dành hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất không phân bổ đều 30.000 tỷ đồng cho 5 NHTM Nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện mà NH nào triển khai nhanh, mạnh, ký được nhiều hợp đồng, giải ngân được đến đâu thì NHNN cấp đến đó. 

Tuy nhiên, để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn này, theo ông Nam, các chủ đầu tư dự án nhà ở liên quan nên chủ động làm cầu nối giữa NH với khách hàng, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn với NH để có điều kiện mua nhà thuận lợi hơn. 

Trong các điều kiện liên quan đến vay vốn thuộc gói tín dụng này, ông Nam cũng lưu ý, nếu ai nghĩ chỉ cần có hợp đồng mua nhà thu nhập thấp đến NH là vay được tiền theo quy định là không đúng. Bởi vì, bên cạnh quy định này, khách hàng phải đảm bảo đủ các quy định của NH để thực hiện vay vốn.

Liên quan đến vấn đề thế chấp vay vốn mua nhà, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thông tư 11/2013 của NHNN có quy định mở là tùy theo điều kiện việc làm, thân nhân, mức thu nhập... của khách hàng thì NH áp dụng vay có tài sản thế chấp, hoặc không thế chấp tài sản. Bởi, theo Phó Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú, gói 30.000 tỷ đồng, đây là chương trình tín dụng hoàn toàn thương mại, các NH chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình và rủi ro xảy ra, NHNN chỉ hỗ trợ vốn để qua đó có lãi suất thấp cho người vay. 

Do đó, không chỉ BIDV, mà các NH khác cũng sẽ đưa ra hình thức thế chấp để vay vốn cho phù hợp. BIDV có thực hiện cho áp dụng thế chấp tài sản hình thành từ nguồn vốn vay nếu mua nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 thì người vay là chủ tài sản căn hộ đó, BIDV nhận thế chấp tài sản này. 

Còn đối với nhà ở xã hội, theo quy định của Chính phủ, phải trong 10  năm vẫn chưa được thế chấp. Trong trường hợp này, BIDV sẽ làm việc với chính quyền địa phương để ký hợp đồng 3 bên giữa đơn vị xây dựng nhà ở, người mua, và NH. 

Theo đó, nếu đơn vị xây dựng nhà ở đồng ý cho người mua nhà được quyền thế chấp, trong điều kiện người vay không thể trả nợ thì người vay đồng ý cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội mua lại nhà đó và bán cho người khác để trả nợ vay. Đây là hình thức để vận dụng cho người mua nhà có thể thế chấp bằng chính căn nhà của mình, và NH cũng giảm rủi ro.   

Trong khi đó, người dân còn đang băn khoăn, lo lắng về khả năng trả nợ nếu vay vốn và mua nhà ở xã hội theo mức lãi suất vay 6%/năm và thời hạn vay 10 năm. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích rằng, nếu tính theo ngưỡng phải đóng thuế 9 triệu đồng/người/tháng, thì với gia đình có 2 người cùng thu nhập sẽ đạt 18 triệu đồng/tháng. Theo tính toán thông lệ, gia đình cần 30% thu nhập đó để lo vấn đề nhà ở, tương đương 5,4 triệu đồng/tháng. 

Nếu hộ gia đình này vay mua căn hộ 50m2, giá tối đa 12 triệu  đồng/m2, thì khi người mua phải ứng trước 20% giá trị căn hộ, tương đương 120 triệu đồng, còn lại sẽ phải vay 480 triệu đồng. Với lãi 6%/năm, sẽ chỉ phải trả khoảng 2,1 triệu đồng lãi/tháng và 4 triệu đồng tiền gốc. Cứ thế, gốc trả dần, lãi cũng sẽ giảm dần. Như vậy, với thời gian vay 10 năm, hộ gia đình hoàn toàn có thể trả nợ. Đó là chưa kể, nhà có thể mua dưới 50m2, thu nhập có thể tăng lên, thì khả năng trả nợ càng đơn giản hơn.

Để chứng minh cho tính toán này, ông Nam quả quyết, đưa ra mức tính giá nhà 12 triệu đồng/m2 là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, với chính sách ưu đãi của Nhà nước như hiện nay, và sắp tới sẽ có nhiều dự án chính thức khởi công xây dựng mấy ngàn căn hộ thu nhập thấp, giá bán có thể dưới 12 triệu đồng/m2, thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam còn khẳng định: Chính sách của Nhà nước và việc thực thi của các NHTM được giao nhiệm vụ đều tính toán đảm bảo mang lợi tối đa cho người dân. Trong tình hình điều kiện tài chính của Chính phủ hiện nay, triển khai chương trình này là một cố gắng lớn. Còn mong muốn của Nhà nước, NH và cả nhu cầu của người dân thì rất nhiều, nhưng cũng phải trên cơ sở cân đối với nguồn lực có.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, trên thế giới không ai cho vay mua nhà, lại là vay ưu đãi, với lãi suất cao tới 6%. Về nguyên tắc, lãi suất vay mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều mặt bằng chung. Con số này chỉ 3%/năm là mức hợp lý, có như vậy mới giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) Alain Cany và đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân Việt Nam (VBF) mới đây cho biết, gói 30.000 tỷ đồng là tín hiệu rất tích cực trong việc cho phép tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ông này, để nhiều người có thể thụ hưởng chính sách này, có 2 cách hoặc là tăng thời gian cho vay, hoặc hạ lãi suất thấp hơn. Nhóm công tác của VBF cũng đề xuất là nên tăng thời gian cho vay ưu đãi từ 10 năm lên 20 năm. Trên thế giới gói dành cho người thu nhập thấp mua nhà đều có thời gian 20 năm.

Ngoài ra, từ trước đến nay, các chủ đầu tư thường xây dựng những căn hộ có diện tích từ 70m2 trở lên, những căn hộ diện tích nhỏ dưới 50m2 rất hiếm vì vậy tìm được căn hộ này ngay bây giờ là không thể. Bây giờ các DN mới bắt đầu xây dựng thì phải 2 năm nữa khách hàng mua nhà mới có nhà, vì vậy vẫn phải chờ. Và những căn hộ này chỉ nằm ở những khu vực ngoại thành xa xôi. Rõ ràng, mua nhà thu nhập thấp vẫn còn là hành trình rất gian nan.

Theo: Thanh Tra.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét